Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Anh túc xác
Tên khác: Cù túc xác; cây Nàng tiên; A phiến; Trẩu; Phù dung; Oanh túc xác; Ngự mễ xác, cây Thuốc phiện.
Tên khoa học: Fructus Papaveris Deseminatus.
Đặc điểm tự nhiên
Anh túc là cây thân cỏ, sống hàng năm hoặc 2 năm, cao 0,7 - 1,5m, cây mọc thẳng, ít phân nhánh, thân cây nhẵn, có phủ phấn trắng. Lá mọc so le, ôm vào thân cây, có hình trứng dài 6 - 50cm, rộng 3,5 - 30cm đầu trên nhọn, đầu phía cuống nhọn hoặc hơi hình tim. Hoa mọc đơn độc ở đầu thân hoặc đầu cành có cuống dài 12 - 14cm, đài hoa có hai lá dài màu xanh, dài 1,5 - 2cm. Tràng gồm 4 cánh hoa, dài 5 - 7cm, màu trắng hoặc hồng hay tím. Mùa hoa thường từ tháng 4 đến tháng 6. Quả có hình cầu hoặc hình trụ dài 4 - 7cm, có khía dọc. Trong quả chín có rất nhiều hạt nhỏ, màu xám trắng hoặc xám đen. Mùa quả từ tháng 6 đến tháng 8.
Thân cây khi bấm có nhựa mủ màu trắng chảy ra, để lâu chuyển thành màu đen. Quả sau khi khía để lấy nhựa sẽ thấy các vết ngang hoặc vết dọc trên bề mặt quả, sau khi phơi khô hoặc sấy khô gọi là anh túc xác.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Cây Thuốc phiện được trồng tại các vùng cao phía Bắc nước ta, nơi có khí hậu mát lạnh như: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tây. Ngoài ra, tại một số nước khác cũng có trồng như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Tư, Bungaria… Tuy nhiên cây anh túc là một thứ cây đã bị cấm tự trồng vì quá nhiều tác hại mang tới, việc tự ý trồng cây anh túc là vi phạm pháp luật tại nước ta và nhiều nước trên thế giới.
Quả thuốc phiện sau khi chín được thu hái về, lấy hạt và nhựa, gân màng ra, giữ lại phần vỏ quả, sau đó phơi hay sấy khô, bào chế thành dạng bột, cao, cồn thuốc để dùng dần.
Bộ phận sử dụng
Quả chín sau khi lấy hạt và nhựa.