Bệnh tim có ăn được tim lợn không? Ông bà chúng ta thường có câu “ăn gì bổ nấy”, vậy bệnh nhân tim mạch có nên ăn nội tạng động vật nói chung và tim lợn nói riêng trong khẩu phần ăn hằng ngày hay không? Bài viết sẽ giúp chúng ta phần nào giải đáp được thắc mắc trên.
1. Một số thông tin dinh dưỡng từ thịt nội tạng
1.1 Nội tạng tim lợn
Tim lợn là một loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trong 100g tim lợn có chứa các chất dinh dưỡng sau:
- Năng lượng: 94 kcal
- Protein: 15.1g
- Chất béo: 3.2g
- Chất xơ: 0.2g
- Carbohydrate: 0.6g
- Cholesterol: 131mg
- Kali: 294mg
- Natri: 56mg
- Canxi: 7mg
- Sắt: 5.9mg
- Photpho: 213mg
- Vitamin B1: 0.34mg
- Vitamin B2: 0.18mg
- Vitamin PP: 5.7mg
- Vitamin C: 1mg
1.2 Gan ngỗng
Gan ngỗng cũng là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng gồm protein, vitamin, khoáng chất và chất béo.
- Protein: Gan ngỗng cung cấp một lượng lớn protein. Một phần gan ngỗng có thể chứa khoảng 20-25g protein.
- Chất béo: Gan ngỗng chứa chất béo, nhưng nó có nhiều chất béo no hơn so với một số loại thịt khác. Một phần gan ngỗng có thể chứa khoảng 15-20g chất béo.
- Khoáng chất: Gan ngỗng là nguồn kẽm sắt và photpho tốt. Cũng chứa một lượng nhất định các khoáng chất như copper (đồng) và selen.
- Vitamin: Gan ngỗng là một nguồn tốt của vitamin như vitamin B12, riboflavin (B2), niacin (B3) và vitamin A.
1.3 Lòng bò
Lòng bò cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.
- Protein: Lòng bò là nguồn protein tốt. Một phần lòng bò có thể chứa khoảng 20-25g protein.
- Chất béo: Lòng bò cũng chứa chất béo. Một phần lòng bò thường có thể cung cấp khoảng 10-15g chất béo.
- Khoáng chất: Là nguồn tốt của nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, phốt pho và selen.
- Vitamin: Lòng bò cũng cung cấp một số loại vitamin như vitamin B12, niacin (B3), riboflavin (B2) và vitamin B6.
2. Lợi ích của việc sử dụng nguồn thịt nội tạng
2.1. Lợi ích
Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, tim lợn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cụ thể như:
- Tăng cường sức khoẻ tổng thể: Tim lợn là nguồn protein chất lượng cao, cung cấp các axit amin cần thiết để duy trì và phục hồi cơ bắp, tăng cường sức khỏe của tóc, da, và móng.
- Tốt cho hệ thần kinh: Quan trọng cho sự hình thành hồng cầu, chức năng của hệ thần kinh và duy trì sức khỏe của tế bào.
- Bổ máu: Nó cũng chứa sắt, một khoáng chất quan trọng giúp cung cấp oxy cho cơ thể và hỗ trợ trong quá trình tạo máu.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Tim lợn cũng cung cấp kẽm, một khoáng chất quan trọng cho hệ thống miễn dịch và nhiều chức năng khác trong cơ thể.
- Chống oxy hoá: Tim lợn chứa selen, một khoáng chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương gây ra bởi các gốc tự do.
- Cholesterol và chất béo: Mặc dù tim lợn chứa một lượng đáng kể cholesterol và chất béo, nhưng nếu tiêu thụ một cách cân đối và hợp lý, đây là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.
2.2. Một vài lợi ích từ thịt nội tạng khác
Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer - Hội chứng suy giảm trí nhớ
Thiamin (Vitamin B1) từ gan tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng từ thức ăn. Việc duy trì mức độ đủ thiamin có thể hỗ trợ chức năng não và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Bổ sung năng lượng
Gan và thận động vật là một nguồn chất sắt tốt. Sắt là một khoáng chất quan trọng giúp vận chuyển oxy trong cơ thể và duy trì năng lượng. Thiếu hụt sắt có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi và thiếu năng lượng. Ăn thịt nội tạng như gan sẽ giúp tăng cường cung cấp sắt và năng lượng.
Giảm nguy cơ ung thư
Riboflavin (B12) có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng riboflavin giúp giảm nguy cơ ung thư phổi và đại trực tràng. Sự thiếu hụt riboflavin được xem xét là một yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Vitamin B12 và Folate (axit folic) có trong tất cả các cơ quan thịt (trừ ruột). Kết hợp với folate (cũng có trong thịt nội tạng), Vitamin B12 giúp điều hòa lượng homocysteine trong máu. Mức độ homocysteine cao là một nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Nhiều loại nội tạng có hàm lượng kẽm cao như gan, thận và tim. Kẽm là chất dinh dưỡng quan trọng giúp hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. Thiếu hụt kẽm có thể dẫn đến tình trạng dễ bị nhiễm trùng.
3. Bệnh tim có ăn được tim lợn không? Những rủi ro tiềm ẩn của thịt nội tạng
3.1. Vậy bệnh tim có ăn được tim lợn không?
Việc ăn tim lợn hoặc nội tạng động vật một lượng phù hợp có thể mang lại nhiều chất dinh dưỡng cho một số đối tượng phù hợp. Riêng những đối tượng bị bệnh tim mạch, cần lưu ý đến một số tác hại có thể xảy ra, đặc biệt là khi sử dụng một cách quá mức hoặc không đúng cách. Tác hại của việc ăn tim lợn hoặc nội tạng động vật:
● Cholesterol và chất béo: Tim lợn chứa nhiều cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Tiêu thụ quá mức chất béo và cholesterol có thể tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tăng mỡ trong máu. Đặc biệt những người bệnh bị tăng mỡ máu (hay tình trạng cholesterol trong máu cao), việc tích lũy cholesterol và chất béo trong máu như vậy sẽ gây bệnh lý xơ vữa động mạch tiến triển nhanh hơn.
● Natri: Một số sản phẩm từ tim lợn như tim lợn hầm có thể chứa lượng cao natri (muối). Việc ăn nhiều natri có thể gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề huyết áp.
● Chất độc hại: Tim lợn có thể chứa các chất độc hại từ môi trường, đặc biệt là nếu động vật được nuôi trong môi trường không lành mạnh. Chất độc hại như dioxin có thể tập trung trong mô cơ béo của động vật.
● Tăng cân: Việc tiêu thụ tim lợn có thể là nguồn calo và chất béo cao và ăn nhiều có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề liên quan đến trọng lượng cơ thể.
● Nguy cơ bệnh truyền nhiễm: Các bệnh truyền nhiễm từ động vật đến con người có thể xảy ra nếu việc chế biến và nấu ăn không được thực hiện đúng cách.
● Chất độc hại trong quá trình chế biến: Quá trình chế biến tim lợn, đặc biệt là nếu nướng quá mức, sẽ tạo ra các chất độc hại, chẳng hạn như amin thơm.
● Độc tố và kháng sinh: Nếu động vật nuôi được sử dụng kháng sinh và chất phụ gia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng thịt và nội tạng chúng làm đồ ăn.
3.2. Một số nguy cơ tiềm ẩn khác:
● Nội tạng có hàm lượng purin cao. Purin có thể biến thành axit uric, nguy cơ dẫn đến bệnh gút
● Nội tạng đặc biệt là gan và tim, thường chứa nhiều chất sắt. Điều này gây nguy hiểm cho người mắc bệnh hemochromatosis (bệnh huyết sắc tố) vì đang cần giảm lượng chất sắt từ thức ăn để kiểm soát sự tích tụ sắt trong cơ thể.
Tóm lại, câu trả lời cho bệnh tim có ăn được tim lợn không hoặc nội tạng động vật không là không nên, vì tim lợn mặc dù chứa một số hàm lượng dinh dưỡng protein, sắt, kẽm và một số vitamin như B12 sẽ giúp ích cho những bệnh nhân đang thiếu hụt những dinh dưỡng này, tuy nhiên với bệnh nhân có bệnh tim mạch thì lượng cholesterol và chất béo cao trong nội tạng động vật sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Như vậy,đối với những bệnh nhân có vấn đề về tim mạch, cần duy trì một chế độ ăn lành mạnh và cân đối. Không nên sử dụng quá nhiều thịt nội tạng để phòng ngừa rủi ro biến chứng.