Các quý ông thượng lưu nói gì về công dụng của cao hổ?
Ông Nguyễn Minh Tâm (tên đã được thay đổi, sinh sống ở Hà Nội) nhiều lần nghe bạn bè, đồng nghiệp đồn thổi về "công dụng" trị bách bệnh, bồi bổ gân cốt, tăng cường sức khỏe của cao hổ.
Chính vì vậy, khi mẹ của ông bị thoái hóa xương khớp, không đi lại được, ông Tâm đã không tiếc tiền mua cao hổ về cho mẹ dùng.
Ông Tâm mua của hai người khác nhau, tổng cộng hơn nửa cân cao hổ "xịn". Người mẹ dùng liên tục trong gần một năm nhưng chân đau vẫn hoàn đau, không thể đi lại được. Số tiền hơn 200 triệu đồng mua cao hổ trở thành vô nghĩa.
Câu chuyện trên được Tiến sĩ Đặng Vũ, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Copenhagen, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu về Tội phạm có tổ chức (Global Initiatives against Transnational Organized Crimes) chia sẻ với PV Dân trí sau khi anh công bố kết quả nghiên cứu về việc sử dụng cao hổ và người tiêu dùng cao hổ ở Việt Nam trên Tạp chí Bảo tồn Thiên nhiên.
Để có được những thông tin đắt giá về nhu cầu sử dụng cao hổ, Tiến sĩ Đặng Vũ đã phải thâm nhập thực sự vào giới thượng lưu ở Hà Nội.
Anh chia sẻ, rất ít giám đốc điều hành, doanh nghiệp và quan chức ở Hà Nội dành thời gian nói chuyện về những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng với các nhà nghiên cứu ngẫu nhiên.
Họ chỉ muốn nói chuyện với những người có cùng "đẳng cấp". Vì vậy, vị tiến sĩ này đã thay đổi cách thức tiếp cận.
Anh đã mượn một chiếc đồng hồ Rolex, một chiếc xe Porsche của một người bạn và thuê một chiếc túi Burberry đựng đầy xì gà Cuba.
Ngoài ra, anh còn cộng tác với một vận động viên quần vợt nghiệp dư và một tay golf nổi tiếng. Cả hai đều có chân trong giới thượng lưu.
Cả nhóm cùng giao lưu với các "tín đồ" cao hổ. Mặc dù tốn nhiều thời gian để khiến các quý ông giàu có tin tưởng họ, song quá trình này giúp anh và cộng sự thực hiện được các cuộc phỏng vấn về cao hổ cốt.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020, Tiến sĩ Đặng Vũ và cộng sự đã gặp gỡ 228 người dùng cao hổ.
Những "tín đồ" này sống ở Hà Nội, là những người có tuổi và có tiền (thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/tháng trở lên).
Theo tiến sĩ Đặng Vũ, trong hơn 200 người thuộc tầng lớp đại gia, giàu có mà anh khảo sát, có khoảng 50% người nói "cao hổ tốt". Tuy nhiên, họ cũng không chắc chắn về điều này.
Lý do là bởi trong khoảng thời gian dùng cao hổ, những người này cũng dùng thêm các thực phẩm chức năng khác nữa nên không biết sức khỏe cải thiện là nhờ đâu. 50% số còn lại thì khẳng định cao hổ không có tác dụng gì.
Nghiên cứu trả lời câu hỏi về việc có nên hợp pháp hóa các trang trại nuôi hổ thương mại hay không. Tuy nhiên, kết quả cho thấy người sử dụng đa phần thích hổ có nguồn gốc tự nhiên và họ sẵn sàng mua từ những nguồn bất hợp pháp. Ý tưởng về việc hợp pháp hóa các trang trại này sẽ không đóng góp vào công tác bảo tồn hổ.
Khi nghiên cứu về nhu cầu tiêu dùng cao hổ, Tiến sĩ Đặng Vũ còn gặp gỡ với một số trùm nấu cao hổ chuyên cung cấp cho khách trong các cơ quan Nhà nước và khối doanh nghiệp ở Hà Nội. Anh đã được nghe kể về các thủ thuật "phù phép" nồi cao trị "bách bệnh" này.
Một "trùm" mà gia đình có truyền thống làm về Đông y tiết lộ: "Thị trường cao hổ ở Việt Nam hiện đang rất sôi động. Những người có tiền và có tuổi thường rất chuộng mặt hàng này. Chính vì nguồn cung ở nước ngoài khan hiếm mới dẫn đến tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép trong nước.
Giá của cao hổ trên chợ đen trung bình từ 25-40 triệu đồng/lạng. Có sự chênh lệch này là bởi còn tùy vào nguồn gốc con hổ. Hổ được đưa về từ Lào, nấu cao tại Nam Phi chuyển về, hay là hổ nuôi nhốt trong các trang trại. Đặc biệt, giá thành miếng cao còn liên quan đến chất lượng của xương hổ và các chất phụ gia trong đó".
"Để tăng lợi nhuận, những người nấu cao thường giảm tỷ lệ phần trăm của xương hổ và thêm vào đó xương sư tử nhập từ Châu Phi. Ngoài ra, các trùm nấu cao còn cho thêm sơn dương, mai rùa, nhung hương, xương khỉ, thậm chí cả xương trâu, bò.
Người buôn, người nấu cao hổ cũng khẳng định rằng họ phải bỏ thuốc phiện vào thì người mua mới cảm thấy có tác dụng khi dùng cao hổ", tiến sĩ Đặng Vũ nói.
Các trùm buôn tiết lộ với ông, nguồn hổ trong nước thường được nuôi trong các điều kiện vô cùng tệ hại, dưới các căn hầm tối tăm, được vỗ béo bằng thịt ôi thiu hay các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Nếu không dùng hổ trong nước, họ sẽ "nhập" hổ đông lạnh từ Lào hoặc cao hổ xách tay từ Nam Phi về.
Loài hổ cần được bảo vệ
Theo tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng buôn bán cao hổ thường quảng cáo việc dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm như cao hổ, sừng tê giác, ngà voi… sẽ chữa được bệnh ung thư hay các bệnh nan y khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là chiêu làm giàu bất chính của một nhóm người. Họ tung ra các tin đồn về công dụng của sản phẩm động vật hoang dã khiến mọi người truyền tai nhau, tin tưởng là dùng các sản phẩm này chữa được nhiều loại bệnh.
Trao đổi với PV Dân trí, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết, việc sử dụng, buôn bán động vật quý hiếm như hổ là phạm pháp. Cao hổ không phải là "thần dược" và công dụng của nó không thần thánh như lời đồn.
"Hổ là loại động vật quý hiếm cần được bảo vệ, trên thế giới hổ tự nhiên còn rất ít", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Đặng Vũ thì khẳng định, việc sử dụng cao hổ ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn hổ trong tự nhiên. Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa bệnh hiện đại khác nhau.
Người dân nên duy trì lối sống lành mạnh, nếu có bệnh nên đi thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
"Có thể bạn có tiền đó nhưng việc dùng cao hổ không bõ bởi tác dụng của nó không rõ ràng như đồn thổi. Đặc biệt, người dùng không thể biết trong các miếng cao hổ đó có gì, có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không. Việc sử dụng cao hổ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi không ai biết có những chất phụ gia gì đã được cho vào trong nồi cao", Tiến sĩ Đặng Vũ nhấn mạnh.