Ngày nay xu hướng làm đẹp cho mái tóc của chị em ngày càng được quan tâm. Trong đó nhiều người lựa chọn việc nhuộm một màu tóc mới khác với màu tóc nguyên bản. Nhưng trước khi nhuộm tóc có một quy trình không thể bỏ qua đó là tẩy tóc. Cùng Long Châu tìm hiểu xem tẩy tóc là gì, có hại gì không và cách tẩy tóc tại nhà an toàn cùng các lưu ý chăm sóc sau đây nhé!
Tẩy tóc là gì?
Tẩy tóc là quá trình sử dụng các sản phẩm hóa học như thuốc nhuộm tẩy để loại bỏ màu sắc hiện có trên tóc. Quá trình này thường được sử dụng khi một người muốn thay đổi màu tóc của mình hoặc loại bỏ màu nhuộm cũ trước khi nhuộm màu mới. Cụ thể quá trình tẩy tóc sẽ tác động lên một sắc tố có tên gọi là melanin.
Melanin là hắc sắc tố giúp tạo nên màu cho da, tóc và mắt. Sắc tố melanin luôn có sẵn trong cơ thể và khi bị mất đi tóc sẽ chuyển dần sang màu xám hoặc trắng. Từ đây sẽ tạo tiền đề cho bạn có thể nhuộm các gam màu mong muốn như: Màu khói, màu sáng, màu bạch kim…
Tẩy tóc có thể làm cho tóc bị khô, yếu và dễ gãy, vì vậy quá trình này cần được thực hiện cẩn thận và chính xác để tránh gây hại cho sức khỏe tóc của bạn. Nếu bạn muốn tẩy tóc, tốt nhất là nên tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia chăm sóc tóc hoặc đi đến các salon tóc chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tẩy tóc là gì? Hướng dẫn tự tẩy tóc tại nhà
Như vậy chúng ta đã tìm hiểu tẩy tóc là gì? Sau đây là cách tẩy tóc tại nhà vừa tiết kiệm thời gian vừa không mất công di chuyển. Dù cho mái tóc của bạn đang ở nền nào thì đều có thể áp dụng quy trình thực hiện như nhau. Nhưng hãy tùy thuộc vào màu tóc mong muốn mà thay đổi loại thuốc tẩy và có số lần thực hiện khác nhau cho phù hợp:
Bước 1: Pha thuốc tẩy tóc
Hãy tiến hành trộn bột tẩy và developer theo tỉ lệ ghi trên vỏ hộp hoặc tỉ lệ 1:2. Trong khi thực hiện bạn nên đeo găng tay và khẩu trang để không ảnh hưởng đến đường hô hấp. Tiến hành khuấy đều hỗn hợp để không bị vón cục và để hỗn hợp nghỉ khoảng 2 phút trước khi tẩy tóc. Có một lưu ý nhỏ khi pha thuốc tẩy tóc là nên dùng loại chén nhựa cũ sau đó bỏ đi.
Bước 2: Chia tóc
Hãy chia tóc thành những lọn nhỏ rồi cố định lại bằng kẹp tóc để khi tẩy sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra để giảm sự bỏng rát thì bạn có thể ngừng gội đầu trước khi tẩy tóc khoảng 2 - 3 ngày. Phần tóc trước khi tẩy cũng nên được để khô ráo và tránh bết mồ hôi ảnh hưởng đến công dụng của thuốc.
Bước 3: Bôi thuốc tẩy
Có 2 nguyên tắc quan trọng khi tẩy tóc đó là tẩy từ sau ra trước và tẩy thân trước gốc sau. Có nghĩa là bạn quét thuốc vào phần gáy trước sau đó mới ngược lên phần đỉnh đầu. Ngoài ra bạn cần quét thuốc vào thân tóc trước rồi chờ thêm 10 - 15 phút mới quét tiếp vào phần gốc tóc. Bởi vì phần gốc tóc rất sát da đầu có nhiệt độ cao nên màu tóc cũng sẽ lên nhanh hơn. Khi bạn canh lệch thời gian như vậy giúp cho tóc lên màu đều và đẹp hơn sau khi tẩy.
Bước 4: Ủ tóc
Khi bán các thuốc tự tẩy tóc tại nhà thường sẽ đều đi kèm với mũ nhựa. Do đó sau khi tẩy tóc bạn chỉ cần tiến hành trùm mũ lên và đợi khoảng 40 phút. Việc đội mũ như vậy giúp tăng nhiệt độ để tóc lên màu nhanh hơn.
Bước 5: Xả sạch thuốc tẩy
Tiến hành xả sạch phần thuốc tẩy và sử dụng dầu gội tím để khử vàng. Cách bôi dầu cũng tương tự như bạn đã bôi thuốc tẩy cũng đi từ gáy lên đỉnh đầu và đi từ thân tóc đến ngọn tóc. Ngoài loại dầu gội tím bạn có thể kết hợp thêm một số loại tone khử vàng chuyên dụng khác.
Bước 6: Dưỡng tóc hoặc nhuộm màu mong muốn
Sau khi nền tóc đã lên đúng độ mà bạn muốn, bạn có thể tiếp tục nhuộm màu mong muốn. Ngoài ra có thể chuyển tóc sang giai đoạn dưỡng để tóc được nghỉ ngơi vài ngày trước khi nhuộm màu mới. Để ủ tóc có thể dùng các loại mặt nạ chuyên dùng cho tóc hoặc dùng dầu dừa.
Tóc tẩy bao lâu thì nên nhuộm lại?
Bên cạnh thắc mắc tẩy tóc là gì nhiều người còn quan tâm đến vấn đề nhuộm tóc. Sau khi thực hiện tẩy tóc, nhiều người băn khoăn không biết tẩy tóc bao nhiêu lâu thì có thể nhuộm được. Câu trả lời là tùy thuộc vào mong muốn và nhu cầu của bạn. Sau khi tẩy tóc 2 - 3 ngày thì có thể lên màu. Khi đó cần chăm sóc tóc tẩy một thời gian trước khi bắt đầu nhuộm. Lúc này tóc đã khỏe nên lên màu chuẩn hơn.
Ngoài ra tóc sẽ không dễ gãy rụng. Nhưng bạn cũng cần chú ý quy trình chăm sóc tóc sau tẩy để đảm bảo tóc ở trong trạng thái khỏe mạnh nhất. Bạn hoàn toàn có thể nhuộm tóc ngay sau khi tẩy với điều kiện là bạn tự tin với độ chắc khỏe của mái tóc mình. Nhưng lời khuyên chân thành vẫn là nên cho tóc có thời gian nghỉ ngơi sau khi tẩy rồi mới nhuộm.
Một số lưu ý sau khi tẩy tóc
Sau khi tẩy tóc bạn nên lựa chọn các loại dầu gội chuyên dụng dành cho mái tóc nhuộm. Đặc biệt là nên tránh xa các loại dầu gội có chứa thành phần sulfate. Một số lưu ý quan trọng sau tẩy tóc gồm có:
- Hạn chế để tóc tiếp xúc với nhiệt. Vì nếu bị nhiệt độ cao tác động tóc sẽ càng ngày càng bị tổn thương dẫn đến khó phục hồi.
- Hạn chế tạo kiểu quá sớm. Khi mới trải qua giai đoạn tẩy tóc không nên tạo kiểu ngay vì tóc lúc này còn yếu, dễ gãy rụng.
- Thường xuyên cắt tỉa mái tóc. Nguyên nhân là do phần đuôi tóc sau khi tẩy khá giòn và khô. Vì vậy có thể sẽ bị chẻ ngọn và khô. Khi gặp phải tình trạng đó bạn nên thường xuyên tỉa bớt phần đuôi để phần chẻ ngọn không lan rộng thêm.
- Chú ý dưỡng ẩm cho tóc. Hãy sử dụng các sản phẩm dầu xả không chỉ có khả năng nuôi dưỡng tóc mà còn giúp tóc phục hồi sau khi tẩy. Ngoài ra dùng dầu xả còn giúp tóc mềm mượt, khỏe mạnh hơn.
Như vậy bài viết hôm nay Long Châu đã chia sẻ với bạn khái niệm tẩy tóc là gì, cách tẩy tóc tại nhà và những lưu ý quan trọng khi tẩy tóc để không làm tổn hại mái tóc. Hy vọng bạn đã kịp ghi nhớ và thực hiện để có mái tóc suôn mượt, chắc khỏe với màu sắc như ý. Hãy theo dõi Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích thú vị khác về sức khỏe và sắc đẹp nhé!
Nguyễn Khuyên
Nguồn tham khảo: Tổng hợp