Theo thống kê, TP.HCM có 20 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người cao tuổi (trong đó 7 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập). Tùy vào quy mô số lượng người tiếp nhận và phạm vi hoạt động, các cơ sở ngoài công lập do thành phố hoặc cấp huyện quyết định thành lập, cấp phép hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi.
TP.HCM có bao nhiêu viện dưỡng lão?
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, người cao tuổi tại 7 cơ sở công lập được chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm đúng quy định pháp luật theo luật Người cao tuổi 2009 và hưởng các chế độ chính sách, chi phí nuôi dưỡng, sinh hoạt gồm: tiền ăn, quần áo, khám chữa bệnh, chi phí hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi - giải trí,…
Riêng người cao tuổi được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè gồm có 2 diện là người cao tuổi diện chính sách có công do ngân sách nhà nước đảm bảo 100% và diện an dưỡng viên đóng phí trung bình khoảng 3.000.000 đồng/người/tháng.
Đối với 13 cơ sở ngoài công lập, trong đó có 6 cơ sở không thu phí, 7 cơ sở thu phí trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận với gia đình người cao tuổi có nhu cầu và khả năng đóng phí. Mức phí phụ thuộc vào danh mục các dịch vụ cung cấp của cơ sở.
Theo giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập hoạt động ổn định qua các năm. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và xu hướng già hóa dân số ngày càng tăng của nước ta trong những năm qua nên nhu cầu chăm sóc người cao tuổi của các gia đình, cá nhân ngày càng cao.
Thăm dò ý kiến
Khi về già bạn sẽ vào viện dưỡng lão?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Trong 10 năm trở lại đây, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập tại TP.HCM nhìn chung có chiều hướng tăng, ngoài mô hình chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở trợ giúp xã hội, còn có loại hình cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Chưa đáp ứng nhu cầu
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, điều kiện người cao tuổi được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội công lập (không thu phí) gồm: người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo; không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; không có điều kiện sống ở cộng đồng và người cao tuổi thuộc diện người có công với cách mạng.
Ông Lê Văn Thinh cho hay, tại TP.HCM hiện nay, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngoài công lập có tăng nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu, đặc biệt diện người cao tuổi khó khăn nhưng chưa đủ điều kiện được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội và người cao tuổi có khả năng đóng phí do số cơ sở chưa phủ hết 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Văn Thịnh, TP kêu gọi các tổ chức và cá nhân đồng hành cùng TP trong công tác xã hội hóa các nguồn lực để chăm lo cho người cao tuổi thông qua việc đầu tư thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập chăm sóc người cao tuổi. TP cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục đăng ký thành lập và cấp phép hoạt động đối với các cơ sở đủ điều kiện.
Thiếu viện dưỡng lão cao cấp
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học cho hay, dự báo đến năm 2030 khi dân số vàng chấm dứt, có thể người cao tuổi tại TP.HCM chiếm 17% dân số. Đó là sức ép vô cùng lớn cho phát triển và nếu không giải được bài toán này, TP.HCM sẽ bị rơi vào khủng hoảng thiếu chỗ cư ngụ cho người cao tuổi.
Theo ông Hòa, TP.HCM mới chỉ có các nhà dưỡng lão bình dân mà chưa có nhà dưỡng lão chất lượng cao. Theo các nghiên cứu, đến năm 2053 TP.HCM sẽ bước chân vào xã hội già với trên 1 triệu người cao tuổi.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa lấy ví dụ, một nghiên cứu thực hiện năm 2018 cho thấy hơn 95% người già ở TP.HCM bó gối ở nhà xem ti vi, ra đường thì sợ tai nạn giao thông, thậm chí có ra đường cũng không biết đi đâu vì không có mấy nơi dành riêng cho mình như công viên, nhà văn hóa, tụ điểm vui chơi. Sang nhà hàng xóm như ở quê thì cũng khó vì ở thành phố đa phần nhà ai biết nhà nấy…
"Thực tế, các nhà dưỡng lão cao cấp với giá từ 18 - 20 triệu đồng/tháng, có bác sĩ theo dõi sức khỏe hằng ngày và chế độ chăm sóc đặc biệt ở Hà Nội không bao giờ ế, khi điều kiện sống khá giả thì người dân sẽ có nhu cầu. Người dân TP.HCM cũng sẽ có nhu cầu như vậy nhưng chưa có cơ sở nào đáp ứng được", ông Hòa nhìn nhận.
Chuyên gia đô thị học cũng phân tích, trung tâm dưỡng lão là tổ hợp có đầy đủ phân khu chức năng và hạng mục đảm bảo được đời sống của người già, bao gồm: khu văn phòng, khu ở, khu ăn, khu vui chơi giải trí, phòng thể thao, khu phục hồi chức năng, khu y tế, khu vật lý trị liệu, công viên, vườn dạo, hồ bơi, nhà khách lưu trú khi đến thăm và cả nhà tang lễ.
Thăm dò ý kiến
Bạn có sẵn sàng đưa cha mẹ khi về già vào viện dưỡng lão?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Do đó, một trung tâm dưỡng lão cần tối thiểu 5 ha cho 300 - 500 giường, thậm chí vài chục ha nếu cho hàng ngàn người. Ngoài ra, trung tâm này phải không xa quá. Kinh nghiệm cho thấy các trung tâm dưỡng lão xa quá, con cái khó bề thăm nom thường xuyên, và khó nhận được sự tiếp ứng của các bệnh viện chuyên ngành ở trung tâm TP khi cần can thiệp.
"Đã có vài nhà đầu tư đến TP tìm kiếm cơ hội để đầu tư viện dưỡng lão nhưng không thành công vì không có đất, không nhận được chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư loại hình này như vay vốn, thuế, phí và đất", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nói.